Lịch sử Hội_Liên_hiệp_Thanh_niên_Việt_Nam

Công tác vận động thanh niên đã được những người Cộng sản Việt Nam chú trọng ngay từ trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính với tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, những người Cộng sản Việt Nam có một nguồn bổ sung cán bộ trẻ, năng động, là nòng cốt để hình thành nên Đảng Cộng sản.

Ngày 26 tháng 3 năm 1931, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 2 tại Rạch Giá, Trung ương Đảng đã dành một phần quan trọng để bàn về công tác thanh niên và đi đến quyết định có ý nghĩa đặc biệt, như phải cử ngay các ủy viên của Đảng phụ trách các vấn đề liên quan tới thanh niên (sau gọi là công tác Đoàn) trong các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương. Tổ chức Đoàn nhanh chóng phát triển làm nòng cốt cho Đảng, thậm chí, trong một số giai đoạn đã thay mặt Đảng hoạt động công khai tập hợp quần chúng.

Nếu như lực lượng Đoàn Thanh niên Cứu quốc là một thành phần của Việt Minh tham gia Tổng khởi nghĩa ở miền Bắc, thì tại miền Trung và miền Nam, do điều kiện tổ chức Đảng bị tan vỡ và bất đồng, các cán bộ Cộng sản miền Nam đã tận dụng cơ hội, cài cán bộ lãnh đạo để nắm tổ chức Thanh niên Tiền phong, từ đó phát triển nhanh chóng lực lượng để tham gia Tổng khởi nghĩa.

Sau Cách mạng tháng 8, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 6 năm 1946, Tổng Đoàn Thanh niên Việt Nam ra đời. Ông Dương Đức Hiền được cử làm Tổng đoàn trưởng. Đầu năm 1947, đổi thành Liên đoàn Thanh niên Việt Nam. Năm 1948, ông Hoàng Minh Chính được cử làm Tổng đoàn trưởng Liên đoàn Thanh niên Việt Nam.

Để mở rộng và huy động mạnh mẽ lực lượng thanh niên, ngày 7 tháng 2 năm 1950, trong Đại hội đại biểu Đoàn toàn quốc lần thứ I tại Việt Bắc, Bí thứ Trung ương Đoàn Nguyễn Lam đã đọc báo cáo chính trị "Chiến đấu và xây dựng tương lai", theo đó xác định nhiệm vụ thống nhất lực lượng thanh niên trong cả nước. Ngày 25 tháng 2 năm 1950, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Liên đoàn Thanh niên Việt Nam được tổ chức tại xã Cao Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên,nay Là xóm Tân Lập,xã Phú Xuyên. với lực lượng của Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành và bầu ông Nguyễn Chí Thanh làm Chủ tịch Liên đoàn và thông qua Nghị quyết, Điều lệ của Liên đoàn Thanh niên Việt Nam.

Từ ngày 29 đến 31 tháng 7 năm 1955, Đại hội để thống nhất tổ chức và phong trào học sinh, sinh viên toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội, gồm 244 đại biểu chính thức và 255 đại biểu dự thính của các trường đại học, đại biểu sinh viên miền Nam và sinh viên học ở nước ngoài, quyết định lấy tên mới của tổ chức sinh viên là Hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam, thông qua Nghị quyết, Điều lệ, chương trình hành động và lời kêu gọi sinh viên toàn quốc. Đây là tổ chức thành viên lớn thứ hai trong Liên đoàn Thanh niên.

Từ ngày 8 đến ngày 15 tháng 10 năm 1956, Đại hội thành lập Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam toàn quốc lần thứ I được khai mạc tại Nhà hát lớn Thủ đô Hà Nội, gồm 420 đại biểu chính thức, 300 đại biểu dự thính trong và ngoài nước, miền Nam và miền Bắc, có cả đại biểu Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Thế giới, tham gia. Đại hội đã thông qua Nghị quyết, bản Hiệu triệu thanh niên toàn quốc và Thư của Đại hội gửi các bạn thanh niên miền Nam. Đại hội cũng bầu Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế, làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội. Các phó Chủ tịch Hội gồm: Nguyễn Lam, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam; Lê Quang Toàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam; Nguyễn Ngọc San, Trưởng ban Vận động Mặt trận Thống nhất Thanh niên Hà Nội. Tháng 1 năm 1957, Hội nghị lần thứ nhất đã bầu bổ sung ông Vũ Quang vào Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, giữ chức Tổng Thư ký của Trung ương Hội.